- monamedia
- 15/03/2024
- 5 phút đọc
NHỮNG VÙNG TRỒNG CÀ PHÊ ARABICA NGON NHẤT VIỆT NAM
Cà phê chè (Arabica) là giống cà phê đầu tiên được đưa vào Việt Nam vào năm 1857, thông qua các nhà truyền giáo Pháp.
Hạt Arabica chất lượng nhất được trồng ở đâu?
Cà phê Arabica Cầu Đất, Lâm Đồng
Vùng Cầu Đất của Đà Lạt, Lâm Đồng được thiên nhiên ưu đãi nên loại Arabica Cầu Đất có chất lượng rất cao và được mệnh danh là Nữ Hoàng cà phê Việt Nam, một loại cà phê Arabica thơm ngon bậc nhất thế giới. Ngoài ra, những chủng cà phê đầu tiên được trồng ở Cầu Đất như Yellow Bourbon, Typica cũng được rất nhiều những người sành cà phê quan tâm, mong muốn thưởng thức
Hương vị của cà phê Arabica được mô tả như sau: Vị chua thanh, đắng nhẹ tạo nên sự thanh tao, quý phái, màu nước cà phê nâu nhạt, trong trẻo của hổ phách tạo nên sự sang trọng, quyến rũ.
Vùng đất càng cao, càng lạnh thì chất lượng cà phê Arabica càng ngon. Với độ cao trên 1.600m so với mực nước biển, cùng với khí hậu lạnh, sương mù hầu như quanh năm, vùng Cầu Đất, Đà Lạt là thiên đường cho cây cà phê Arabica. Cùng với đó là cách thu hái rất công phu – hái tỉa, trái cà phê chín tới đâu hái tới đó chứ không thu hoạch ồ ạt cả trái chín, trái xanh cùng lúc.
Cà phê Arabica Tây Bắc Việt Nam
Vùng đất Tây Bắc, chủ yếu là 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên có thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp nên tại đây trồng hầu hết là cà phê Arabica.
Sơn La với hệ thống núi non trùng điệp được bao quanh bởi các bồn địa, các cao nguyên. Cà phê Arabica Sơn La được trồng trên các sườn dốc dưới chân dãy núi thấp hoặc trên các đồi nông với độ cao từ 900m đến 1200m.
Khí hậu Sơn La mưa nhiều, lạnh. Cây cà phê Arabica ở đây sinh trưởng tốt cho chất lượng cao. Sơn La là tỉnh trồng cà phê Arabica lớn thứ 2 của Việt Nam chỉ sau tỉnh Lâm Đồng.
Đặc biệt là cà phê Chiềng Ban, Sinh Ban (Sơn La). Tuy cây cà phê không được trồng ở vùng đất đỏ bazan và không nằm ở độ cao lý tưởng như các tỉnh Tây Nguyên, song ở Sơn La có những loại đất trong nhóm đất đỏ vàng thích hợp với cây cà phê như Fk, Fv, Fs…
Cà phê Arabica Hướng Hóa, Quảng Trị
Độ cao vùng đất ở đây từ 350-500m so với mực nước biển. Khe Sanh đang được Hiệp Hội Cà Phê – Ca Cao Việt Nam chọn làm nơi thử nghiệm mô hình sản xuất cà phê chất lượng cao với mong muốn biến Khe Sanh thành một trung tâm trồng và sản xuất cà phê của miền Trung.
Theo Báo Dân trí
Nguồn: https://dantri.com.vn/van-hoa/nhung-vung-trong-ca-phe-arabica-ngon-nhat-viet-nam-20210307130323462.htm